LỰA CHỌN CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO DOANH NGHIỆP LOGISTICS, CÓ NÊN HAY KHÔNG ?

Covid-19 tạo “thử thách” cho doanh nghiệp và chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho biết: các doanh nghiệp Logistics hiện đang chịu nhiều tác động xấu từ phiên dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp thu trung bình bị giảm từ 10% – 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo, có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu so với năm 2019 và hơn 50% doanh nghiệp giảm lượng dịch vụ hậu cần trong nước và quốc tế từ 10% – 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Covid-19 còn ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi tiêu dùng của các đối tượng tiêu thụ. Mặc khác, nhu cầu thị trường bị giảm do các biện pháp giãn cách xã hội của chính quyền. Tất cả những khó khăn này đang khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics và Chuỗi Cung Ứng phải đối mặt với những tổn thất nặng nề.

Đại dịch đã cho chúng ta thấy không nên quá phụ thuộc vào một vài nền kinh tế hàng đầu thế giới trong chuỗi cung ứng, một khi bị đứt gãy thì hoạt động logistics bị tác động theo, đáng chú ý là hoạt động tồn kho (inventory). Tuy nhiên, đại dịch cũng gián tiếp thúc đẩy hoạt động vận tải nội địa và thương mại điện tử phát triển, là chất xúc tác cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, đây là một yêu cầu khách quan và cấp bách hiện nay của ngành dịch vụ logistics.

Sức mạnh mà chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp

Chuyển đổi số: là khi có dữ liệu được số hóa rồi, cần phải sử dụng các công nghệ như AI, Bigdata… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cần thiết phải chuyển đổi số (Digital Tranformation) nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số.

Sức mạnh mà chuyển đổi số đã mang đến cho các doanh nghiệp khi đã được áp dụng

  • Xóa đi khoảng cách giữa các bộ phận trong một doanh nghiệp

Thực tế ở các doanh nghiệp chưa chuyển đổi số, gần như không có sự liên kết thông tin giữa các bộ phận với nhau, không có tính liên kết bởi vì mỗi bộ phận sử dụng một phần mềm riêng lẻ. Chính điều này đã khiến cho công việc chung thường xuyên bị tắc nghẽn không rõ nguyên nhân, kéo theo hàng loạt các tác động xấu, doanh thu đi xuống, công tác chăm sóc khách hàng – một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của dịch vụ logistics bị hạn chế.

Khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp đã tạo ra một nền tảng kết nối được tất cả các bộ phận, nhưng mỗi bộ phận nghiệp vụ vẫn có công cụ để phục vụ nghiệp vụ chuyên môn mà vẫn có thể giao tiếp với bộ phận khác. Thông qua các kết nối này, các vấn đề được nhận dạng, phòng ngừa trước khi xảy ra và sẽ được xử lý nhanh chóng khi các chức năng có thể nhận thấy và phối hợp cùng nhau.

  • Tối ưu năng suất làm việc của nhân viên

Mong muốn tối ưu năng suất làm việc của nhân viên là điều mọi doanh nghiệp đều nghĩ đến. Ứng dụng chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp cộng hưởng và tối ưu năng suất làm việc của nhân viên giúp tạo ra giá trị cao hơn hiện tại.

Bên cạnh đó, ứng dụng hệ thống tự động của chuyển đổi số cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tự động thao tác những công việc tạo ra giá trị thấp. Thay vào đó, nhân lực chủ chốt sẽ được tập trung phát triển và tham dự vào những công việc tạo ra giá trị cao hơn.

  • Thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp

Chủ doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc theo dõi các báo cáo, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của nhân viên bất cứ lúc nào mà không cần đợi nhân viên ngồi làm báo cáo qua email hay thống kê số liệu mất nhiều thời gian như trước đây.

Nhờ đó mà mọi thông tin, số hóa về hoạt động của doanh nghiệp đều được thể hiện minh bạch, chi tiết bằng các con số rõ ràng, xóa bỏ những vùng “không sáng”, kém minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Những rủi ro về chi phí ẩn, quỹ đen cũng sẽ được hạn chế giúp doanh nghiệp quản lý và tối ưu doanh thu hiệu quả nhất.

5 bước chuyển đổi số cơ bản cho các doanh nghiệp logistics

Để đứng vững được trước cơn bão suy thoái mang tên Covid-19, các doanh nghiệp logictics cần chủ động xây dựng các biện pháp phòng tránh, mà cụ thể là từng bước chuyển đổi số cho doanh nghiệp theo những bước cơ bản sau đây:

  • Rà soát mong muốn – Dành thời gian tìm ra vấn đề nhức nhối nhất của doanh nghiệp cần được triển khai;
  • Đánh giá độ sẵn sàng cho việc tái cấu trúc dựa trên yếu tố con người và dữ liệu;
  • Rà soát quy trình – Doanh nghiệp cần biết mình đang ở đâu, đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi số;
  • Tìm giải pháp phù hợp – Tự xây dựng một hệ thống dựa trên quy trình có sẵn hoặc tận dụng các nhà cung cấp giải pháp;
  • Nuôi dưỡng cam kết – Xây dựng một văn hóa tôn trọng, đề cao sự mới mẻ và tinh thần học hỏi.