Tác giả: admin
Nuti Food
Nguyễn Kim
Coca Cola
Từ tháng 10/2022, nhiều khoản phí, lệ phí kinh doanh vận tải được giảm đến 50%
Một số khoản phí, lệ phí trong các lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường sắt và đường thuỷ nội địa sẽ giảm tới 50% so với mức thu trước đây, bắt đầu từ tháng 10 đến hết năm 2022…
Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt giảm 50%, chỉ còn 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt từ tháng 10/2022.
Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt giảm 50%, chỉ còn 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt từ tháng 10/2022.
Ngày 29/9, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 59/2022/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí; trong đó, giảm từ 20 – 50% một số loại phí hoạt động kinh doanh vận tải.
Theo Bộ Tài chính, việc quy định giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí xuất phát từ thực tế giá nhiên liệu tăng, qua đó, giảm thiểu khó khăn đối với hoạt động kinh doanh vận tải, góp phần giảm chi phí kinh doanh và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Thông tư số 59 quy định giảm từ 20 – 50% một số loại phí hoạt động kinh doanh vận tải, từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/12/2022. Theo ước tính, việc giảm phí, lệ phí giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 55 tỷ đồng.
Cụ thể, Thông tư số 59 nêu rõ một là, giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; lệ phí ra, vào cảng biển hoạt động hàng hải nội địa.
Hai là, giảm 20% mức thu đối với 7/10 nội dung thu phí trong 2 khoản phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.
Đáng chú ý, nhiều loại phí, lệ phí trong lĩnh vực đường sắt và đường thuỷ nội địa được giảm mạnh nhất, lên đến 50% so với quy định trước đây.
Theo đó, ba là, giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Như vậy, từ ngày 1/10 tới đây, mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt chỉ còn 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, thay vì mức 8% như quy định cũ.
Bốn là, giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa.
Đáng chú ý, theo quy định tại Thông tư số 59, chỉ một vài khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường sắt, thủy nội địa được giảm so với quy định trước đây mà không phải tất cả các loại phí, lệ phí trong các lĩnh vực này.
Chẳng hạn, trong hoạt động hàng không dân dụng, các loại phí không được giảm là phí kiểm định cấp giấy chứng nhận loại tàu bay, chứng chỉ đủ điều kiện kỹ thuật các phương tiện thiết bị hàng không sản xuất mới đưa vào sử dụng; phí kiểm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho tàu bay (tính theo trọng tải cất cánh tối đa của từng loại tàu bay); phí thẩm định hồ sơ mua, bán, thuê, cho thuê tàu bay; phí cung cấp thông tin trong sổ đăng bạ tàu bay; phí phân tích dữ liệu bay; phí sát hạch đủ điều kiện cấp giấy phép nhân viên hàng không; lệ phí đăng ký các quyền đối với tàu bay…
Kể từ ngày 1/1/2023 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí quy định tại biểu nêu trên thực hiện theo các quy định cũ. Ngoài mức thu các khoản phí, lệ phí quy định nêu trên, các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các thông tư hiện hành.
Nguồn: Hiệp hội Logistics Tp.HCM
Giảm chi phí logistics: Bài toán khó giải
Cắt giảm chi phí logistics sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Theo “Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021” (Vietnam Logistics Report 2021) chi phí logistics ở nước ta hiện đang chiếm tới 20% GDP. Đây là một tỉ lệ rất cao so với mức bình quân thế giới (10,8%) và cao gấp gần 2,5 lần các nước phát triển. Chi phí logistics chiếm tỷ trọng cao trong GDP phản ảnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp logistics đối với nền kinh tế, tuy nhiên tỷ trọng này cũng phản ảnh mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Do phải gánh chịu chi phí logistics quá lớn trong giá thành sản phẩm của mình nên các doanh nghiệp Việt Nam bị giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cắt giảm chi phí logistics là bài toán khó cho cả chính phủ và doanh nghiệp.
Những nhân tố nào làm tăng chi phí logistics?
Trước hết phải kể đến chi phí vận tải đường bộ. Chi phí vận tải chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí logistics. Đặc biệt ở Việt Nam, gần 80% khối lượng hàng hoá được vận chuyển bằng đường bộ. Tuy nhiên chi phí vận tải đường bộ ở Việt Nam hiện rất cao, phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu. Theo tính toán, chi phí xăng dầu thường chiếm từ 35-40% giá cước vận tải đường bộ nên với giá xăng dầu trong nước hiện đang cao hơn các nước trong khu vực và thế giới do gánh nhiều khoản lệ phí, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bào vệ môi trường…dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam cao hơn rất nhiều nước trong khu vực và thế giới, nếu so sánh theo tỉ lệ trên GDP.
Cước đường biển biến động theo cung cầu và tăng cao khi bị đứt gãy chuỗi cung ứng là nhân tố không kém phần quan trọng làm tăng chi phí logistics. Tuy nhiên trong điều kiện chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài, đội tàu trong nước còn yếu, quy mô nhỏ, giá cước không cạnh tranh thì việc cắt giảm chi phí này cũng là một bài toán khó.
Hiện nay quỹ đất dành cho hoạt động logistics và dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là kho bãi chưa được nhà nước quan tâm ưu đãi nhiều nên chi phí thuê, mua đất đầu tư kho bãi cao, dẫn đến chi phí lưu kho, lưu bãi – một nhân tố cấu thành chi phí logistics cũng cao.
Các khoản phí và lệ phí cũng góp phần không nhỏ làm tăng chi phí logistics. Hiện nay các khoản phí phải trả cho các hãng tàu nước ngoài như phí THC, CIC, LSS… đều do các hãng tàu nước ngoài quyết định và cao hơn rất nhiều so với chi phí mà họ thực trả cho cảng hoặc chi phí bỏ ra trong thực tế. Tuy nhiên, các chủ hàng Việt Nam hoặc chính phủ khó có thể can thiệp hoặc đàm phán giá vì liên minh các hãng tàu gần như độc quyền trong việc quy định các loại phí này.
Một vấn đề cần bàn đến là tính kết nối các phương thức vận tải để giảm tải cho vận tải đường bộ giúp cắt giảm chi phí logistics. Hiện nay việc quy hoạch kết nối các phương thức vận tải đường bộ – đường biển, đường bộ – đường sông hoặc đường bộ – đường sắt rất rời rạc nên không thể tận dụng các phương thức vận tải chi phí thấp như đường sông, đường sắt. Các cảng biển theo quy hoạch trước đây ít được kết nối với đường sắt, cảng sông không thể tiếp cận với các trục giao thông chính, dẫn đến phát sinh các chi phí trung chuyển, lưu kho, bốc xếp.
Bên cạnh những khoản chi phí có thể lượng hoá được làm tăng chi phí logistics còn kể đến các khoản chi phí ngoài luồng hay tiêu cực phí trong lĩnh vực hải quan, xuất nhập khẩu, lĩnh vực vận tải đường bộ góp phần không nhỏ đẩy chi phí logistics tăng cao.
Chính phủ và doanh nghiệp cùng hành động
Cắt giảm chi phí logistics sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trước mắt chính phủ và đặc biệt các doanh nghiệp logistics cần khẩn trương thực hiện kế hoạch hành động dài hạn theo hướng cắt giảm chi phí dần dần theo từng năm.
Trước hết về mặt vĩ mô, chính phủ cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch nhằm bảo đảm kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt, đường sông. Cần triển khai xây dựng các hạng mục giao thông để đảm bảo tính kết nối giữa các phương thức vận tải. Chính phủ cần xây dựng lộ trình phát triển một đội tàu biển đủ mạnh để đủ sức cạnh tranh các hãng tàu khác trên thế giới nhằm chủ động việc vận chuyển quốc tế, giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ít phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài. Tuy nhiên cũng cần rút kinh nghiệm từ việc xây dựng, điều hành Vinalines trước đây để chọn loại tàu, tuyến vận chuyển, bộ máy quản lý, điều hành phù hợp.
Về các khoản thuế, phí, lệ phí chính phủ cần rà soát cắt giảm bãi bỏ các khoản thuế, phí, lệ phí không hợp lý hoặc không còn phù hợp. Trước mắt, ngoài việc giảm các loại thuế môi trường, thuế nhập khẩu thì cũng nên cắt giảm hoặc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng xăng dầu. ực tế, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, không thể đánh đồng với các mặt hàng xa xỉ như rượu, bia, thuốc lá… nên không phải là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính phủ cần mạnh tay xử lý các hành vi nhũng nhiễu tiêu cực trong lĩnh vực hải quan, xuất nhập khẩu, lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ để giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí logistics.
Về mặt vi mô, các doanh nghiệp logistics cần tối ưu hoá công tác quản trị doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí quản lý. Doanh nghiệp logistics cần ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản trị, vận hành các phần mềm quản lý kho (WMS), quản trị doanh nghiệp tổng thể (ERP)…để tiết kiệm thời gian, quản lý hiệu suất nhằm cắt giảm chi phí.
Các doanh nghiệp logistics trong nước đa phần có quy mô nhỏ và yếu nên cần phải liên doanh, liên kết để tận dụng được thế mạnh của từng doanh nghiệp nhằm cung cấp một chuỗi logistics trọn gói, giúp tiết giảm chi phí.
Nguồn nhân lực logistics hiện nay còn yếu và thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ logistics và đương nhiên sẽ làm phát sinh chi phí logistics do không kiểm soát được chi phí hoặc không tìm được giải pháp logistics tối ưu. Vì vậy các doanh nghiệp logistics cần chú trọng công tác đào tạo nhân sự ngành logistics thông qua liên kết với các trường đại học và các hiệp hội nghề nghiệp của ngành logistics như Valoma, VLA.
Nguồn: Vietnam Logistics Review